Những cách lấy lại hứng thú trong công việc cực đơn giản

Bạn cũng rất cần tìm niềm vui thú trong đời sống cá nhân. Tham gia thể thao, khiêu vũ hay đọc sách, nghe nhạc, xem phim, giao lưu gặp gỡ bạn bè… là những thú tiêu khiển có thể

Có nhiều lý do khiến bạn nhiều lúc rơi vào trạng thái uể oải, không còn động lực đi làm. Những lúc như vậy, Bạn sẽ làm gì để chống lại sự mệt mỏi để tìm lại niềm vui trong công việc?

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, công việc lập lại mỗi ngày, áp lực bủa vây, lương thưởng không tương xứng, môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp, mối quan hệ đồng nghiệp nhiều mâu thuẫn….đều dễ khiến người ta rơi vào trạng thái mất hứng thú với công việc. Kết quả là bạn sẽ cảm thấy chán nản, không còn thiết tha với công việc dẫn đến làm việc không hiệu quả.

Vậy có cách nào để bạn vực dậy tinh thần và tiếp tục làm việc với niềm hăng say hơn?

Suy nghĩ tích cực
Ở một thời điểm nào đó, khi đã gắn bó với công việc, trong bạn thường xuất hiện nhiều đòi hỏi hơn. Ví dụ như bạn muốn được công ty ghi nhận công sức, được khen thưởng kịp thời và xứng đáng, được cân nhắc lên vị trí cao hơn, được tạo điều kiện làm việc nhiều hơn, được ưu ái hơn…Nếu những mong muốn này không được đáp ứng hoặc có nhưng không như mong đợi, bạn dễ cảm thấy chán. Hậu quả là càng chán công việc, bạn càng làm việc cẩu thả, vội vã và mờ nhạt.

Bạn có thể thay đổi được tình hình nếu hướng suy nghĩ theo chiều tích cực. Bạn có thể nhìn xuống thấp hơn để thấy bạn đang có công việc đúng chuyên môn mà rất nhiều người ao ước. Bạn có thể nhìn ra chung quanh để thấy bạn vẫn được trả lương đều đặn và mức lương này có thể không hề thấp. Bạn có thể nghĩ đến các yếu tố “được” mà bạn có khi làm công việc hiện tại. Ví dụ như công việc đang cho phép bạn linh hoạt giờ giấc, được giao tiếp rộng….Bạn có thể nghĩ đến những khía cạnh tích cực khác như đồng nghiệp vui vẻ, môi trường làm việc thân thiện, ngành nghề ổn định…Suy nghĩ như vậy sẽ giúp bạn phấn chấn và lạc quan hơn.

Cân bằng lại cuộc sống
Trạng thái mệt mỏi của bạn đôi khi do bạn cảm thấy “quá tải”. Đó có thể vì áp lực công việc liên tục xuất hiện khiến bạn căng thẳng. Công thêm những áp lực khác từ gia đình, từ các mối quan hệ…khiến bạn cảm thấy không còn sức lực nữa.

Bạn cần sắp xếp lại thứ tự cuộc sống của mình. Nếu công việc chiếm quá nhiều thời gian cá nhân của bạn, bạn cần điều chỉnh lại theo hướng giảm bớt và vừa sức. Ngoài ra, bạn cần tổ chức khoa học lại các bước hoàn thành công việc. Nhiều người đã cho biết, dù thời gian ít hơn nhưng nếu làm việc có kế hoạch, với một tinh thần thoải mái, bạn vẫn hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí còn làm tốt hơn.

Bạn cũng rất cần tìm niềm vui thú trong đời sống cá nhân. Tham gia thể thao, khiêu vũ hay đọc sách, nghe nhạc, xem phim, giao lưu gặp gỡ bạn bè… là những thú tiêu khiển có thể giúp bạn duy trì được sự cân bằng cuộc sống, giúp bạn yêu đời, cảm thấy dễ chịu và sớm lấy lại năng lượng.

Tự tạo niềm vui thú
Làm mãi một công việc với những trình tự lập đi lập lại thường là nguyên nhân khiến bạn dễ rơi vào trạng thái nhàm chán. Các chuyên gia khuyên bạn hãy suy nghĩ nhiều cách khác nhau để công việc của bạn thú vị hơn. Ví dụ bạn thử thay đổi một chút xíu quy trình làm việc miễn vẫn đảm bảo công việc trôi chảy. Bạn cũng có thể trao đổi, tìm hiểu thêm những cách thức, kinh nghiệm, kiến thức mới khi giải quyết một vấn đề nào đó, quan sát đồng nghiệp ở những bộ phận khác để có tầm nhìn bao quát hơn về mô hình kinh doanh của công ty …. Những điều mới mẻ mà bạn tự trao dồi thêm trong những công việc tưởng cũ có thể sẽ giúp bạn thêm yêu công việc, bớt sự nhàm chán.

Bạn cũng có thể suy nghĩ theo hướng, mình còn những khả năng nào mà công ty chưa biết, chưa đặt đúng chỗ. Nếu bạn tự tin ở khả năng của mình, bạn có thể tự trình bày với sếp. Có thể sếp sẽ cho bạn thử sức và biết đâu, bạn sẽ tìm thấy cơ hội, niềm vui từ những nhiệm vụ mới.

Gia tăng giá trị bản thân
Có thể những khó khăn khi thực hiện công việc đã làm bạn mệt mỏi, dẫn đến buồn chán. Nếu đúng thế, bạn cần tìm cách sớm ra khỏi khó khăn này. Bạn có thể tham gia các khóa học để biết cách giải quyết công việc thành thục và tự tin hơn. Bạn tăng cường giao thiệp để có được sự hỗ trợ, chia sẻ từ người khác. Học hỏi, tìm hiểu thêm kiến thức qua sách vở, nghiên cứu… cũng giúp bạn thấy mình có giá trị hơn.

Nếu sau mọi cố gắng điều chỉnh mà bạn vẫn không thoát khỏi trạng thái chán nản, rất có thể công việc kia đã không còn hợp với tâm tư, tính cách của bạn nữa. Đã đến lúc bạn lắng nghe lại lòng mình xem bạn cần gì, muốn gì, nên làm gì. Nếu bạn thích những công việc liên quan đến nghệ thuật, đừng ép bản thân vào các con số khô khan. Hoặc ngược lại, nếu bạn có tầm nhìn, quyết đoán, bạn hãy tham gia vào các công việc kinh doanh. Làm được đúng công việc mình thích sẽ giúp bạn cảm thấy hứng thú và sáng tạo.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *